Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam
01/10/02018 09:11

Sáng 14/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị, cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PNNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PNNT Hà Công Tuấn. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phóng Chính phủ, Ban kinh tế TW, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố không được để xảy ra ổ dịch lớn, không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam. Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho Bộ NN&PNNT với những nỗ lực, sự nhanh nhạy, kịp thời của Bộ trong việc chủ động tham mưu, tổ chức Hội nghị quan trọng này để có thể ứng phó hiệu quả trước nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc vào Việt Nam, cũng như phòng, chống hiệu quả dịch bệnh động vật trong vụ Thu Đông.

Theo Phó Thủ tướng, sản xuất chăn nuôi trong nước đã tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Bước đầu đã hình thành nền tảng cho phát triển công nghiệp ngành chăn nuôi, như công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa, công nghiệp chuồng trại và chọn tạo giống. 

Đề cập mục tiêu đến năm 2025 phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa đều được sản xuất theo mô hình trang trại và trong các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp với chất lượng tốt, độ an toàn cao và giá thành thấp nhất so với các nước trong khu vực; đến năm 2030, tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 40%, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, “khi quy mô chăn nuôi ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng phải đặt ra ở mức cao hơn rất nhiều so với trước đây”.

Không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng nhiều trung tâm chế biến lớn, thị trường thịt lợn đã phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh và dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng cũng có Công điện số 1194/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn xâm nhiễm vào Việt Nam, chỉ đạo các tỉnh ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bản chất của vi rút gây bệnh không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như vi rút gây bệnh lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, dịch tả lợn cổ điển... Virus dịch tả heo châu Phi không gây chết hàng loạt nhưng xác suất chết gần như 100%, khác hẳn so với bệnh tai xanh. Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Tổng vệ sinh ngành chăn nuôi lợn từ 15/9 - 15/10

Xác định rõ sự nguy hiểm nếu để đàn lợn nhiễm bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc để ngăn không cho dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, với biện pháp quan trọng nhất hiện nay là chủ động phòng bệnh. Đầu tiên là các Bộ, ngành có liên quan, sau đó là các tỉnh chỉ đạo Sở NN&PNNT rà soát, hoàn chỉnh đề án phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Để thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, Bộ NN&PNNT yêu cầu tăng cường hướng dẫn hệ thống ngành dọc, các đơn vị cấp dưới có yêu cầu về kỹ thuật phải được đáp ứng ngay. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y rà soát lại 8 phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu để giám định, phân tích nhanh các loại bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Cục Thú y được giao là cơ quan chịu trách nhiệm phát ngôn chính thức trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn trực tiếp chỉ đạo nội dung thông tin phát ngôn.

Thời gian tới, các đoàn kiểm tra TW đi các tỉnh, thành phố, các cơ sở sản xuất lớn để kiểm tra, đánh giá, đặc biệt tuyến kiểm soát biên giới – khu vực có rủi ro cao nhất. Chương trình tổng vệ sinh, tiêu độc theo tinh thần chỉ đạo của Công điện số 1194/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn xâm nhiễm vào Việt Nam diễn ra từ ngày 15/9 – 15/10/2018. Bộ trưởng đề nghị sử dụng vôi bột để vệ sinh chuồng trại, lò giết mổ, chợ, nơi vận chuyển.. bởi đây là biện pháp chủ động, hiệu quả và chi phí thấp.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường công tác hợp tác quốc tế với Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để liên tục có thông tin, kinh nghiệm, khuyến nghị từ các nước xung quanh, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ các biện pháp giải quyết kịp thời. Mặc dù công tác phòng, trừ dịch bệnh chăn nuôi là phức tạp, nhưng nếu đồng lòng, đồng bộ cho một giải pháp giữa các bên liên quan để giúp Bộ  NN&PNNT có kế hoạch phối kết hợp, tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước chuyên ngành ở các địa phương nhằm thực hiện thành công việc phòng, trừ dịch bệnh trong chăn nuôi từ nay đến cuối năm, góp phần gìn giữ và thúc đẩy thành quả đạt được của ngành nông nghiệp.

Theo Sở nông nghiệp phát triển nông thôn Bắc Ninh.